Phương Pháp Luyện Tập Katori Võ Đường Shobukan Mặt nạ của áo giáp (Yoroi mempo)

Mặt nạ của áo giáp (Yoroi mempo)

Phương Pháp Luyện Tập Katori Võ Đường Shobukan

Các chiến binh samurai sẽ tập luyện thể chất của mình như thế nào để có thể vừa hành quân vừa chiến đấu vào thế kỷ 14? Chúng ta phải hiểu rằng, chỉ riêng việc hành quân trên lưng ngựa hay đi bộ đến nơi giao chiến cũng đã là một thử thách không hề nhỏ vào thời điểm đó. Cuộc hành quân sẽ đưa những người lính xuyên qua những vùng đất thù nghịch. Nhưng tại sao phải hành quân qua những nơi như vậy? Có thể bởi đường cái không phải là một sự lựa chọn khôn ngoan và họ phải đối mặt với những vật cản thiên nhiên như sông hay đồi núi. Cũng có thể cư dân địa phương lại theo phe của kẻ thù. Rồi còn đó những trở ngại như mưa, gió, nhiệt độ nóng – lạnh mà họ phải vượt qua.

Và đặc biệt là sự thiếu thốn về lương thực, nước sạch và trang thiết bị dẫn đến những vấn đề của hệ tiêu hóa và nhiễm trùng từ những vết thương ở bàn chân do không có được một đôi giày chỉn chu. Sau nhiều tuần hay nhiều tháng hành quân, những chiến binh samurai đến nơi trong cơn mưa nặng hạt (hay cái nóng khủng khiếp hay tuyết rơi rét buốt) với đôi chân bị nhiễm trùng nặng, bụng thì đói và đau vì các bệnh đường ruột… trong khi vẫn chưa kịp tham chiến. Sau trận đánh đầu tiên,họ sẽ mang theo bên mình những vết thương và cơn đau đó chuẩn bị cho trận đánh sắp tới.

Phương Pháp Luyện Tập Katori Võ Đường Shobukan Vietnam

Bức hoạ 6 trang này thể hiện một cảnh nổi tiếng xảy ra trong Chiến tranh Genpei (1180-1185) giữa gia tộc Taira (Heike) và  Minamoto (Genji). Lưu ý áo giáp của chiến binh đứng dưới đất. Nguồn: Art of Armor, Samurai Armor from the Ann and Gabriel Barbier-Mueller Collection

 

Để có thể chiến đấu trong bộ áo giáp truyền thống của Nhật (yoroi) dưới điều kiện tồi tệ như thế, các samurai cần một cơ thể cường tráng và một tinh thần sắt đá. Đó là lý do vì sao mà võ đường Shobukan Việt Nam đã đề ra giáo trình tập luyện tối đa 5 ngày trong tuần với ít nhất 3 tiếng mỗi ngày. Theo phương pháp luyện tập Katori võ đường Shobukan thì có một thân thể khoẻ mạnh còn giúp các môn sinh sửa sai hay học các kỹ thuật mới dễ dàng hơn. Trong quá khứ các buổi luyện tập riêng tại võ đường Shinbukan, Nhật Bản, thường kéo dài tối thiểu 6 tiếng. Ngày nay các buổi luyện tập riêng chỉ kéo dài 3 tiếng. Do đó các môn sinh được yêu cầu phải sẵn sàng cho một chế độ luyện tập mà họ sẽ tham gia khi luyện tập ở Nhật Bản.

Xuyên suốt quá trình luyện tập, chúng tôi tập trung vào sức chịu đựng và những kỹ thuật căn bản, hết sức căn bản. Tất cả các buổi tập của chúng tôi đều được bắt đầu với những bài tập thể lực (suburi) theo sau là những bài tập tư thế mà tự chúng sẽ bổ trợ cho các vấn đề về thể trạng và kỹ thuât. Lấy suburi làm ví dụ, chúng tôi đã hoàn toàn bị thuyết phục rằng việc tập luyện nó là cực kỳ quan trọng. Nó sẽ khiễn môn sinh hiểu sâu hơn về cú chém căn bản của môn phái, cú chém maki-uchi. Thầy Otake Nobutoshi đã từng nói: “Maki-uchi chiếm 40% kỹ thuật căn bản omote nên nếu môn sinh thấm nhuần được maki-uchi, họ đã hoàn thành nửa con đường võ học của mình”.

Binh Khí Gỗ

Nhằm tạo khoảng cách an toàn, người luyện tập môn võ này sẽ dùng binh khí làm bằng một loại gỗ cứng đặc biệt. Binh khí bằng kim loại cũng được sử dụng, nhưng nếu dùng trong luyện tập hàng ngày chúng sẽ sớm gãy hoặc hư hỏng, trong khi những binh khí gỗ sẽ bền và rẻ tiền hơn nếu phải thay thế. Sự an toàn tương đối khi dùng binh khí gỗ là một lợi thế rõ ràng. Binh khí gỗ, tuy nhiên, không được xem là sản phẩm thay thế kém hơn cho binh khí kim loại. Trong nhiều phương thức chiến đấu chúng còn ưu việt hơn so với binh khí kim loại.

Phương Pháp Luyện Tập Katori Võ Đường Shobukan Vietnam Luyện tập bằng binh khí gỗ trong naginata jutsu

Luyện tập bằng binh khí gỗ trong naginata jutsu

Luyện Tập Với Áo Giáp

Giáo trình huấn luyện của Tenshin Shoden Katori Shinto ryu bao gồm các kỹ thuật sử dụng nhiều loại binh khí khác nhau và một trong những điều đầu tiên tất cả các học viên cần phải nắm vững là omote no kenjutsu. Đó là những kỹ thuật sử dụng kiếm khi mặc áo giáp được gọi là yoroi trong tiếng Nhật.

Phương Pháp Luyện Tập Katori Võ Đường Shobukan Vietnam Tenshin Shoden Katori Shinto Ryu Việt Nam luyện tập với áo giáp

Tenshin Shoden Katori Shinto ryu Việt Nam luyện tập với áo giáp

Trong quá trình giảng dạy, Otake Risuke sensei luôn chỉ dẫn rõ ràng những kỹ thuật áp sát, di chuyển và phản đòn khi mặc giáp. Võ đường của chúng tôi luôn đề cao tầm quan trọng của việc truyền đạt Tenshin Shoden Katori Shinto ryu đúng bài bản truyền thống, và do đó những kiến thức về yoroi như làm thế nào để mặc yoroi, làm thế nào để mặc yoroi cho người khác, làm thế nào để bảo quản yoroi và làm thế nào để di chuyển và chiến đấu khi mặc yoroi là không thể thiếu.

Những lợi ích khi tập với yoroi hết sức rõ ràng. Đầu tiên, những yếu tố căn bản trong Tenshin Shoden Katori ryu được thể hiện hết sức sống động như: lịch sử, văn hóa, cách áp dụng khi tấn công cũng như phòng vệ. Thứ hai, các môn sinh làm quen với việc mặc giáp cho bản thân và cho môn sinh khác đã xây dựng môi trường quân ngũ nơi quân nhân thuần thục sử dụng quân trang, quân dụng của mình. Phải mặc yoroi theo thứ tự nào, phải thắt nút thế nào, làm sao mặc giáp đủ chặt và thoải mái nhưng vẫn đảm bảo không ảnh hưởng tới khả năng di chuyển và khả năng bảo vệ người mặc.

Phương Pháp Luyện Tập Katori Võ Đường Shobukan Vietnam Tên các bộ phận khác nhau của áo giáp

Tên các bộ phận khác nhau của áo giáp
Nguồn: Art of Armor, Samurai Armor from the Ann and Gabriel Barbier-Mueller Collection

Khi tập luyện omote và kata bằng bộ giáp, môn sinh dễ dàng nhận thấy các kỹ thuật này của Tenshin Shoden Katori Shinto ryu thực sự được thiết kế để chiến đấu với áo giáp. Tuy nhiên, các động tác khi mặc giáp sẽ khác với lúc tập luyện không giáp do sự hạn chế về cử động và trọng lượng của áo giáp.  Điều này dẫn đến một trong những điểm quan trọng khi tập luyện không giáp, đó là các động tác và tư thế phải to và rộng để khi tập luyện với áo giáp, các động tác dù có bị nhỏ lại cũng sẽ vừa khớp với độ to và rộng của kỹ thuật. Các môn sinh tự động dồn trọng tâm của cơ thể thấp hơn khi tập không giáp bởi họ biết rằng tập với giáp sẽ mệt hơn rất nhiều. Những điểm nhấn chính này đồng thời đã đem lại sự hiệu quả rõ rệt trong tập luyện: bộ pháp chắc chắn hơn, di chuyển rộng hơn và tập trung nhiều hơn vào thể lực bằng việc tập liên tục 3 tiếng mỗi buổi tập. Áo giáp không chỉ là một công cụ để phòng thủ mà nó cũng đồng thời là một công cụ tấn công bằng việc sử dụng vai hay phần sắc bén của mũ giáp.

Phương Pháp Luyện Tập Katori Võ Đường Shobukan Vietnam

Bộ giáp này là tài sản của chi tộc Yoshiki thuộc gia tộc Mori – một gia tộc quan trọng sống vào thế kỷ 12. Kiri mon (hình lá cây hông), biểu tượng của gia tộc Mori, được tô điểm trên nhiều món vật dụng. Sự hiện diện của các tomoe mon thứ cấp(hình xoáy) trên bộ giáp giúp gia tăng nét nhận biết gia tộc. Nguồn: Art of Armor, Samurai Armor from the Ann and Gabriel Barbier-Mueller Collection

Trong phương pháp luyện tập võ đường này, ngoài mặc giáp để tập thôi chưa đủ, môn sinh cần phải được luyện tập với một bạn tập khác mặc giáp mới đem lại lợi ích tối đa. Sensei giải thích rất cặn kẽ phải cắt vào đâu nhưng chỉ sau khi tập luyện với áo giáp (yoroi) thì người tập mới thấy được sự cần thiết của những cú cắt hay đâm chính xác bởi chưa bao giờ các vị trí để tấn công lại rõ ràng đến thế. Điều mà các môn sinh sau khi tập với giáp nhận ra đó là cơ hội cho họ tấn công mục tiêu chính xác lại rất nhỏ. Sự hiểu biết này đã khiến hầu hết các môn sinh thay đổi cách tập luyện và trở nên cẩn thận hơn với từng kỹ thuật và trân trọng kiến thức mà môn phái đang chứa đựng bên trong. Cuối cùng, việc tập luyện với bộ giáp nặng hơn 20 kg sẽ giúp cho thể lực của môn sinh gia tăng đáng kể. Chính vì thế, tập luyện với áo giáp đã trở thành một phần không thể thiếu của võ đường.

Giá Trị Đạo Đức và Tư Duy

Bên cạnh các khía cạnh thuần võ, các giá trị về tư tưởng hay tinh thần sẽ là không thể thiếu để đối phó với những khó khăn của chiến tranh cổ đại. Một ví dụ là việc luyện tập và nghi thức chuẩn xác. Mọi thứ bắt đầu với nghi thức chuẩn xác. Nếu không có nghi thức và tôn trọng võ thuật thì chỉ đơn thuần là luyện tập trong bạo lực.

Huyết thệ mà mỗi môn sinh thực hiện khi gia nhập môn phái đã giúp điều chỉnh mọi người đi đúng hướng. Nếu nghiên cứu một cách nghiêm túc bốn lời thề của môn phái, ta có thể dễ dàng nhận ra rằng chúng có thể được áp dụng cả vào ngày nay, gần sáu trăm năm sau khi những lời thề này lần đầu tiên được viết nên. Ví dụ, lời thề về việc không đến thăm những nơi làm tổn hại danh dự đến bản thân. Chúng ta phải hiểu rằng môi trường, thời gian và tình trạng mà người đó đang có khi đến thăm những nơi này có thể dễ dàng dẫn đến việc va chạm tay chân với những đối tượng ở những nơi như vậy. Nếu bạn vô tình làm tổn thương một người nào đó nghiêm trọng ngay cả khi tự vệ thì kết quả sẽ làm tổn thương nghiêm trọng đến truyền thống võ học của môn phái. Hệ lụy tiếp theo đó là các thành viên trong gia đình hoặc thậm chí người đứng đầu của nơi đó sẽ yêu cầu bồi thường hoặc trả thù. Khi lực lượng an ninh xuất hiện, khả năng họ sẽ đến kiểm tra võ đường, nơi bạn được học các kỹ năng mà bạn sử dụng để bảo vệ chính mình. Họ có thể đóng cửa võ đường, gây nên tác động xấu đến Soke tại võ đường chính và thầy Otake Risuke tại võ đường Shinbukan, Nhật Bản vì họ là thầy của bạn và cuối cùng điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín của cả truyền thống võ học.

Võ đường Shobukan theo sát và thực thi các giá trị mà tổ sư đã truyền dạy. Để tăng thêm giá trị cho những luật lệ này, tổ sư Ienao và thầy Otake Risuke đã truyền đạt thêm những giá trị truyền thống của võ thuật. Thầy Otake Risuke đã giúp chúng tôi được thấm nhuần những phẩm chất can đảm, tự chủ, hi sinh, tuân lệnh, nghiêm túc, kiên nhẫn, suy xét cẩn trọng, lịch sự và thanh đạm. Những môn sinh của môn phái phải rèn luyện những đức tính này kể cả trong cuộc sống đời thường. Những giá trị này sẽ đem đến cho chúng ta một cuộc sống ổn định và yên bình. Otake Risuke sensei chính là minh chứng sống cho những giá trị này và khi nhìn thầy giảng dạy, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu hơn cả phần kỹ thuật và những giá trị cuộc sống.