Phóng sự “Con đường chiến binh Samurai” thuộc ấn bản tháng 6 năm 2015 của tạp chí Ơi Việt Nam là bài viết về võ đường Shobukan của môn phái Tenshin Shoden Katori Shinto Ryu. Tạp chí Ơi viết “Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố năng động, dồi dào năng lượng và màu sắc. Những âm thanh, tính cách và tâm hồn của những con người gọi đây là ngôi nhà thứ hai của mình sẽ được phản ánh rõ nét thông qua những ấn bản hàng tháng của tạp chí”. Chúng tôi hi vọng bài viết sẽ cung cấp một góc nhìn cho những ai lần đầu đến với môn kiếm thuật Nhật Bản này.
Con Đường Chiến Binh Samurai
Khám phá một trong những suối nguồn của võ truyền thống của Nhật Bản
Bài viết: Nicholas D. Heath
Hình ảnh: Andy Lang
Đó là một buổi tối oi bức ở trung tâm thể dục thể thao Hoa Lư, quận 1. Trên lầu 2 của tòa nhà là nơi mà những môn sinh của Katori Shinto Ryu đang chuẩn bị tập luyện. Katori Shinto Ryu là một môn võ kiếm cổ từ Nhật Bản. Nhà nhân chủng học người Hà Lan (cũng đồng thời là thầy đứng lớp của Katori Shinto Ryu) Malte Stokhof vừa thị phạm 3 cú chém chết người liên tiếp cho các môn sinh của mình. Dĩ nhiên, sẽ có người bị giết thực sự nếu ông ấy dùng kiếm thật. Mọi việc trông có vẻ dễ dàng nếu bạn lần đầu nhìn thấy một người đã dành cả đời để tập luyện thực hiện những động tác này. Quan sát Malte cùng những môn sinh của mình tập luyện thật sự rất ấn tượng. Sự nguy hiểm luôn ẩn sau những tư thế cùng những động tác uyển chuyển được thực hiện chỉ trong nháy mắt.
“Khi bạn bị tấn công bởi một người được đào tạo bài bản những kỹ thuật này, đặc biệt là Otake Risuke sensei (thầy của Malte), bạn sẽ không có khả năng chống đỡ và sẽ bị chém hay cắt ở mọi vị trí trên cơ thể. Bạn sẽ nhận ra rằng mình chẳng khác gì một miếng thịt nướng trên bàn tiệc! Và không phải những nhát cắt đó làm bạn thấy vậy, không, chính môn võ này khiến bạn cảm thấy như vậy”. Malte quan sát những môn sinh của mình rất kỹ để kịp thời uốn nắn những động tác cầm kiếm sai hay đưa ra những lời khen đối với những tư thế đứng chính xác. Môn sinh của võ đường Shobukan trải dài ở nhiều độ tuổi khác nhau. “Chúng tôi thu hút được một nhóm môn sinh có xuất phát điểm khác nhau từ nhân viên văn phòng, những người lớn tuổi, người nước ngoài (hơn 10 quốc tịch khác nhau), trẻ em và đặc biệt là nhiều nữ hơn các môn võ khác.” Malte chỉ vào một môn sinh: “Chàng trai trẻ này là một nghệ sĩ piano. Những môn sinh mà tôi có được thật sự rất đam mê luyện tập, chỉ riêng sự kiên trì theo đuổi thôi cũng đã được gọi là một sự thành công.”
Hành trình tìm kiếm môn võ mà bản thân cho là hoàn hảo nhất của Malte cho đến khi trở thành thầy giảng dạy môn võ đó tại Việt Nam thực sự rất ấn tượng. Theo truyền thống, Katori Shinto Ryu có những luật lệ rất nghiêm khắc đối với người nước ngoài theo học và không được dạy ở bên ngoài nước Nhật. Vì thế, khi thầy của Malte tại Nhật cho phép ông giảng dạy tại Việt Nam đã thể hiện điều đó. Chính Malte cũng bất ngờ khi được nhận vinh dự đó: “Tôi chưa bao giờ muốn giảng dạy. Tôi may mắn có được một công việc tại Đông Nam Á nhiều năm trước. Là người duy nhất ở Việt Nam, tôi gần như phải tập luyện một mình và tôi biết là mình chẳng tiến bộ thêm được bao nhiêu cả sau 4 hay 5 năm ở Việt Nam. Tôi đi Nhật mỗi năm và một ngày thầy Otake nói với tôi rằng ‘Kỹ thuật của cậu không hề tệ đi nhưng cậu cũng chẳng tiến bộ gì cả. Chuyện gì đã xảy ra?’ Tôi giải thích rằng tôi không có ai để tập luyện cùng và tất cả những gì sau đó là thầy cấp cho tôi quyền giảng dạy Katori Shinto Ryu tại Việt Nam.” Với sự cho phép đó, Malte trở về Việt Nam và thành lập võ đường đầu tiên của mình ở Thành phố Hồ Chí Minh (www.katorivietnam.org) năm 2012.
Huyết Thệ
Katori Shinto Ryu được tổ sư Iizasa Choisai Ienao thành lập từ thế kỷ 14, khác với những môn võ có tuổi đời trẻ hơn như Kendo hay Karate chỉ tập trung vào một cách đánh đồng nhất, Katori Shinto Ryu tập trung vào một hệ thống chiến đấu nhiều loại vũ khí và tay không. Môn sinh sẽ phải tập luyện chuyên tu từ kiếm, gậy, đại đao, thương, phi tiêu và jujutsu. Những môn sinh lâu năm sẽ được học những môn như bày binh bố trận, tình báo, thiên văn và thậm chí là huyền thuật. Malte chia sẻ “Đây là một nền tảng kiến thức rất rộng”. Học hỏi các kiến thức này rất quan trọng, đặc biệt để thấm nhuần triết lý của môn phái.
Cùng với việc tập luyện thể chất, Katori Shinto Ryu đồng thời dạy cho người học sự tôn trọng và sự khôn ngoan. “Tập luyện Katori sẽ thay đổi thể chất và cơ thể của người tập. Nếu nhìn vào những môn sinh hiện tại, không ai sở hữu cơ bắp cuồn cuộn nhưng họ thực sự cực kỳ khỏe và bền bỉ. Một vài trong số môn sinh thậm chí là nhân viên văn phòng”. “Chỉ sau vài tháng, những môn sinh của tôi đã có thể tự hào mình là một samurai. Katori dạy cho chúng tôi cách tập trung, kiên nhẫn, thể lực và sự bền bỉ.” Malte cũng nói thêm: “Katori cũng đồng thời là di sản văn hóa phi vật thể của người Nhật nên việc truyền dạy nó cũng là một trách nhiệm không hề nhỏ, đó cũng là lý do vì sao tôi cực kỳ bảo thủ trong phương pháp giảng dạy của mình vì tôi cho rằng đó là cách tối ưu để có thể truyền đạt được hết tinh hoa của Katori Shinto Ryu. Tôi thực sự rất biết ơn thầy Otake Risuke vì đã có thể gìn giữ được bản sắc của môn phái đến ngày nay trong khi hơn 5000 võ đường vào những năm 1400 đã chẳng còn lại là bao. Điều này càng làm cho việc tôi có thể học và dạy Katori tại Việt Nam có ý nghĩa hơn nữa. Tôi hiện đang nhận sự hỗ trợ của Sở Thể dục thể thao thành phố, không có họ, võ đường không thể tồn tại được”
Tôi (phóng viên) hỏi Malte liệu các môn sinh của ông có tiếp tục thực hiện keppan, việc thực hiện lời thề để thể hiện việc gia nhập môn phái. Malte trả lời rằng: “Mọi sinh viên phải thực hiện keppan, chỉ trừ những trường hợp đặc biệt vì lý do tôn giáo hay vì họ chưa sẵn sàng. Nhưng khi họ đặt chân đến Nhật, họ bắt buộc phải làm huyết thệ. Thế thôi.”
Nhấn vào để tải Tạp chí Ơi ấn bản tháng 6 2015.