Võ Thuật Nhật Bản – Shobukan Việt Nam biểu diễn kiếm thuật Nhật Bản tại Ngày hội Văn Hoá Việt-Nhật 2013
(Bài viết được xuất bản trên báo điện tử Bà Rịa Vũng Tàu năm 2013)
Ngoài trang phục kimono, trà đạo, nghệ thuật xếp giấy origami… đất nước Nhật Bản còn tự hào với môn kiếm thuật Katori Shinto Ryu. Đây là môn võ đầu tiên của Nhật Bản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 1960.
Katori Shinto Ryu là một trong ba môn võ thuật Nhật Bản cổ nhất, khởi thủy của các môn võ thuật khác ở Nhật Bản, được lưu truyền, phát triển đến ngày nay. Môn võ này được sáng lập bởi tổ sư Iizasa Ienao vào khoảng năm 1460. Truyền thống truyền dạy kiếm thuật của võ Katori Shinto Ryu được các võ sư giữ bí mật thông qua những quy định chặt chẽ được ghi trong huyết thệ (keppan) mà các thành viên khi muốn gia nhập môn phái này đều phải thực hiện. Trải qua hơn 500 năm tồn tại và phát triển của kiếm thuật Katori Shinto Ryu, nghi thức này vẫn được người Nhật gìn giữ. Vì vậy, về tinh thần cũng như hình thức tập luyện kiếm thuật Katori Shinto Ryu được giữ nguyên bản so với lúc ra đời.
Đối với các chiến binh Samurai xưa, kiếm được xem là vũ khí quan trọng nhất. Vì thế, võ thuật Nhật Bản Katori Shinto Ryu hướng đến việc truyền dạy các kỹ thuật về kiếm, kiếm ngắn, song kiếm, gậy, trường đạo, thương và tay không. Katori Shinto Ryu chú trọng vào việc truyền dạy kỹ thuật rút kiếm cho các võ sinh. Người sử dụng kiếm phải rút kiếm với tốc độ cực nhanh, chỉ trong tích tắc, kể cả khi phải chiến đấu trong một không gian chật hẹp, dù trong tư thế đứng hay ngồi để hành động với đối phương. Bên cạnh đó, kiếm thuật Katori Shinto Ryu còn truyền dạy cách phối hợp nhiều kỹ thuật, chiến thuật đối kháng bằng kiếm, gậy để có thể ứng xử với mọi tình huống xảy ra trên chiến trường hoặc sàn đấu. Xưa kia, trên chiến trường, các chiến binh Samurai mặc áo giáp và chiến đấu với đại đao, thương giáo. Nếu thương bị gãy, các chiến binh sẽ tiếp tục dùng cán cầm như cây gậy để chiến đấu. Nếu vũ khí này bị mất đi, các chiến binh sẽ chiến đấu với kiếm (tachi). Nếu kiếm bị gãy, họ sẽ chiến đấu với đối phương bằng cách đấu vật (kumiuchi). Vì vậy, người học võ Katori Shinto Ryu có thể tấn công và phòng thủ hiệu quả ở bất kỳ tư thế, tình huống nào và với bất kỳ vũ khí nào có trong tay.
Kiếm thuật Katori Shinto Ryu được truyền bá rộng rãi ở các nước phương Tây. Riêng tại châu Á, Việt Nam là quốc gia đầu tiên được giới thiệu chính thức môn võ này vào tháng 3-2012, bởi đại diện chính thức là võ sư Malte Stokhof (người Hà Lan). Tại “Ngày văn hóa Việt – Nhật” tổ chức tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, các võ sư, võ sinh của võ đường Shobukan Việt Nam đã giới thiệu và biểu diễn kiếm thuật Katori Shinto Ryu cho người dân địa phương và du khách.
Anh Phạm Đình Bảng (võ sinh tại võ đường Shobukan, TP. Hồ Chí Minh) đã tập luyện kiếm đạo Katori Shinto Ryu được 18 tháng, cho biết: “Học môn võ này giúp tôi rèn luyện sức khỏe, học được tác phong nhanh nhẹn, quyết đoán, kiên trì của người Nhật, rèn luyện tính kiên trì và được thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng. Qua đó, tôi hiểu thêm về đất nước, con người và văn hóa Nhật Bản”.
Anh Phạm Đình Bảng cũng là một trong hai người Việt Nam đầu tiên được trưởng môn phái Katori tại Nhật Bản làm huyết thệ nhập môn võ Katori Shinto Ryu. Võ sư Malte Stokhof, người truyền dạy kiếm thuật Katori Shinto Ryu tại võ đường Shobukan cho biết: “Thông qua môn kiếm thuật Katori Shinto Ryu có thể hiểu được kỹ thuật làm kiếm của người Nhật Bản, đồng thời rèn luyện được tính kiên nhẫn, kỷ luật và khả năng phản ứng nhanh nhẹn trong cuộc sống. Tôi rất yêu thích môn kiếm thuật Katori Shinto Ryu vì đó không chỉ đơn thuần là võ, mà còn chứa đựng văn hóa truyền thống của người Nhật”.
Cẩm Nhung
Nguồn: Kiếm thuật Katori Shinto Ryu – tinh hoa văn hóa Nhật Bản