Luyện võ đạo tại một đạo đường
Lớp võ đạo Nhật Bản tổ chức tại Việt Nam vào tháng 2 năm 2016. Võ sư Krieger dành 3 tiếng mỗi ngày liên tục trong vòng một tuần tham gia luyện tập tại võ đường Shobukan của chúng tôi. Trong mỗi buổi học, võ sư Krieger tập trung vào mỗi phần và loại hình võ thuật khác nhau. Võ sư Krieger chia sẻ kiến thức của mình về Nhu đạo (Judo), Võ gậy (Jodo), Thư pháp (Shodo) và Nghệ thuật rút kiếm (Iaido). Thầy còn đề cập đến lịch sử của võ đạo và võ thuật Nhật Bản. Có thể thấy một trong những điều thấm nhuần trong lời dạy của Thầy trong mỗi lớp học chính là khía cạnh đạo đức của võ đạo. Thầy luôn nhấn mạnh khía cạnh bất bạo lực trong võ đạo và võ thuật Nhật Bản.
Võ thuật và võ đạo Nhật Bản
Trong quyển “The Way of the Stick”, võ sư Krieger giải thích các mục tiêu khác nhau của võ thuật và võ đạo:
Võ thuật chú trọng: 1.chiến đấu (combat), 2.kỷ luật (discipline), 3.đạo đức (morals)
Võ đạo chú trọng: 1.đạo đức (morals), 2.kỷ luật (discipline), 3.nghệ thuật (esthetics)
Tất nhiên võ đạo là rèn tính kỷ luật thông qua việc tập luyện thể lực, nó mang trong mình các đặc tính chiến đấu vốn có. Tính kỷ luật này mặc nhiên đã bao gồm cả việc giáo dục nhân cách cá nhân của một người: “có thể võ đạo có giá trị đơn giản vì nó phát huy tính hiệu quả, tuy nhiên điều này lại vượt xa cả tính hiệu quả vốn có của nó và cho phép cá nhân phát triển nhân cách qua việc trui rèn kỷ luật cá nhân và niềm đam mê mỹ học. Tinh thần võ đạo đã xuất hiện trong thời bình.
“Võ đạo được tạo ra để bất kì ai thuộc bất kì tầng lớp xã hội nào, cũng có thể phát triển đầy đủ thông qua trải nghiệm cá nhân sâu sắc. Điều này sẽ giúp cá nhân đó thấu hiểu cuộc sống một cách trọn vẹn và hòa nhập hơn vào một cộng đồng yêu chuộng hòa bình. Võ đạo nghĩa là phải mang trong mình giá trị tinh thần to lớn.”
“Võ thuật thực chiến được tạo ra bởi các cá nhân ưu tú để bảo vệ một nhóm người mà mạng sống của họ bị hoặc có thể sẽ bị đe dọa. Ý thức chiến đấu được đặt lên hàng đầu. Võ thuật nhất định phải mang tính thực tế. Võ thuật cổ (Kobujutsu) giống như kiếm thuật của phái Katori Shinto Ryu được phát triển và luyện tập cho các chiến binh tinh nhuệ nhất, cho phép họ chiến đấu với các chiến binh khác – hàm ý bao gồm các kỹ thuật thuộc trình độ cấp cao.”
Kiếm thuật Kenjutsu:
Tiết học đầu tiên với thầy Krieger tập trung vào kiếm thuật và nghệ thuật rút kiếm. Thầy chỉ cho chúng tôi một bài tập rất hữu ích gọi là happogiri (chém kiếm theo tám hướng khác nhau). Bài tập này có thể được tìm thấy trong quyển sách khá thú vị “Thuật đấu kiếm Nhật Bản” được viết bởi tác giả Malcom Tiki Shewan. Bài tập bao gồm khá nhiều thế chém được sử dụng trong kiếm thuật kenjutsu theo nhiều trường phái khác nhau. Luyện tập bài tập chém kiếm suburi giúp tay chân linh hoạt và tăng cường sức mạnh thể chất. Thêm vào đó, chúng tôi cũng có thể luyện các yếu tố khác kèm theo như sự tập trung (zanshin), nhãn quan (metsuke) và tiếng thét (kiai).
Võ gậy
Tiết học thứ 2 tập trung vào nghệ thuật sử dụng gậy. Có thể thấy ngay sự tương đồng giữ hai phái Katori Shinto-ryu và Shinto Muso-ryu. Sự hoạt động của cơ thể, các mục tiêu, và thậm chí các nguyên tắc chiến lược cũng rất giống nhau trong cả hai trường phái. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì tổ sư sáng lập môn phái Shindo Muso ryu, ngài Muso Gunnosuke Katsukichi là một chiến binh trước đó từng luyện tập binh pháp của phái Tenshin Shoden Katori Shinto ryu. Mặc dù võ gậy là một môn nghệ thuật hoàn toàn khác, hầu như tất cả môn sinh của võ đường Shobukan đều có thể nhận ra sự tương đồng của cả hai môn nghệ thuật này.
Nhu đạo
Tiết học thứ ba của chúng tôi hoàn toàn tập trung vào Nhu đạo. Buổi học này võ đường chúng tôi vinh hạnh khi có sự tham dự của anh Yanoé, con trai thầy Krieger. Chúng tôi đặt cho thầy một câu hỏi: phải làm thế nào khi chúng ta bị tước vũ khí trong một trận chiến?
Câu hỏi thú vị này cuối cùng đã giúp chúng tôi có một buổi luyện tập chuyên sâu với các đòn vật, khóa tay, siết cổ và cách ra hiệu đầu hàng bằng cách đập tay/chân. Võ phục của môn sinh bị xé rách và một số môn sinh phải tiếp tục luyện tập mà không có ống tay áo. Thật may mắn khi chúng tôi được luyện tập các thế khóa siết cùng một người thân thiện và tận tâm như thầy Krieger.
Tất cả chúng tôi sau đó xếp hàng để thầy kết thúc tiết học bằng đòn khóa cổ yêu thích của mình. Cuối buổi, thầy Krieger và anh Yanoé biểu diễn một bài quyền judo mà khá giống với những gì chúng tôi được dạy trong Katori Shinto ryu. Mặc dù trong Katori có bao gồm những kỹ thuật tự vệ bằng tay không trong chương trình giảng dạy, gọi là nhu thuật cổ (yawara), chỉ rất ít môn sinh của võ đường Shobukan Việt Nam được cho phép luyện tập.
Thư pháp
Tiết học cuối, thầy Krieger chia sẻ sự hiểu biết của mình về thư pháp cho chúng tôi. Thầy từ tốn giảng nghĩa về nguồn gốc của từ budo (võ đạo) qua Hán Tự. “Bu, thầy tiếp lời, nghĩa đen là “dừng hành vi bạo lực”. Sau đó thầy viết chữ Bu dưới dạng Hán Tự. Thầy minh họa nó được tạo ra từ hai chữ tiếng Hán có nghĩa là “dừng” và “cánh tay gây chiến hoặc hàm ý bạo lực”. Các kí tự tạo nên từ “cánh tay gây chiến” thực sự trông giống như một cây kích (naginata). Thầy sau đó cũng viết tặng mỗi người một bức thư pháp đề tên riêng.
Tất cá môn sinh sau đó tự cầm bút và luyện tập, và ai cũng đều cố gắng nâng cao kỹ năng thư pháp của mình. Cuối tiết học, chúng tôi thực hiện một màn trình diễn để vinh danh thầy Krieger. Thầy đáp lại sự yêu mến của chúng tôi và kết thúc một tuần huấn luyện dài bằng màn biểu diễn các thế võ gậy.
Vào chiều tối, chúng tôi đến một nơi gọi vui là “nhà hàng mang phong cách võ đạo”, nơi chúng tôi cùng uống rượu đặc sản của người dân tộc thiểu số, thưởng thức tất cả các món ăn Việt Nam và có vài lời phát biểu thể hiện sự cảm ơn chân thành của chúng tôi tới thầy Krieger. Trong bữa ăn, chúng tôi phỏng vấn thầy về trải nghiệm cá nhân của thầy trong võ thuật nói chung và trải nghiệm khi làm việc cùng võ sư Donn. F. Draeger nói riêng. Thầy chia sẻ: “Thầy Draeger đã huấn luyện cho một Judoka người Hà Lan tên là Anton Geesink, người sau đó đã giành huy chương vàng trong giải thi đấu mở rộng, và được biết đến như là người ngoại quốc đầu tiên tại Thế vận hội Olympics tổ chức tại Tokyo vào năm 1964.”
Trong trận đấu đó, hoàng đế Nhật Bản cũng đã có mặt. Khi Geesink nhận thông báo nói rằng chính anh là người chiến thắng trong trận đầu, một trong những huấn luyện viên người Hà Lan đã phấn khích đến mức gần như muốn nhảy lên sàn đấu để ăn mừng chiến thắng. Tuy nhiên, Geesink đã ra hiệu cho người đàn ông ấy ngồi xuống và kiểm soát cảm xúc lại. Điều này cho thấy sự hiểu biết và tôn trọng của Geesink đối với các nghi thức văn hóa Nhật Bản được thấm nhuần trong con người anh ấy qua sự dạy dỗ của thầy Draeger.”
Thầy Krieger cho chúng tôi lời khuyên về đường hướng phát triển và kể một vài câu chuyện về cuộc đời thầy cho chúng tôi nghe. Cuối buổi tối hôm đó, thầy tận hưởng các bài hát truyền thống Việt Nam qua giọng ca ngọt ngào của các nữ dân ca. Chân thành cám ơn thầy Krieger và anh Yanoé vì đã chia sẻ thời gian và kiến thức của mình cho tất cả chúng tôi. Từ những trải nghiệm này, tất cả sẽ là hành trang cho chúng tôi phát triển võ đường sau này.
Nguồn tham khảo:
Krieger, Pascal (1989) Jodô: La voie du baton / The Way of the Stick. (in French and English). 467 pp. Gland, Switzerland, Sopha Diffusion, SA. Shewan, Tiki Malcom (2014) Japanese Swordsmanship