Kiếm Thuật: Những Giá Trị Truyền Thống

Kiếm Thuật: Những Giá Trị Truyền Thống

“Binh Pháp là Bình Pháp, không một ai được phớt lờ điều này”

Kiếm thuật được truyền dạy bởi Otake Risuke sensei

Khi làm lễ Huyết Thệ (Keppan), một môn sinh được kỳ vọng sẽ trung thành với lời thề trước thần linh, hành động theo các quy tắc của môn phái, và nỗ lực rèn luyện cho đến khi có thể hạ gục đối thủ bằng một chiêu duy nhất. Trên hết, một võ sĩ cần phải mạnh mẽ, dẻo dai và bền bỉ, đồng thời luôn luôn giữ ý chí kiên định.

kiếm thuật truyền thống thật sự là một phương tiện để bảo vệ bản thân và cả quê hương của một người nhưng việc mở rộng tập luyện các môn võ còn giúp đạt đến sự cân bằng về tinh thần một cách tự nhiên, và cần phải mất nhiều năm rèn luyện không ngừng người ta mới có thể hiểu được giá trị đích thực của Bình Pháp.

Môn sinh Katori Shinto ryu bị nghiêm cấm tham gia tỷ thí ngay từ khi môn phái mới được thành lập vì những trận đấu như thế chỉ khiến cho một, hoặc đôi khi cả hai bên, phải vong mạng. Trong tiếng Nhật, kiểu giao đấu như thế được gọi là shiai (thí hội – thí có nghĩa là thử, hội có nghĩa là gặp gỡ), nhưng chỉ thêm một âm thôi, chúng ta có cụm từ shi ni ai, có nghĩa là tìm đến cái chết.

Otake Risuke sensei dạy về sự quan trọng của nghi lễ

Vì đạo trường của Choisai được xây dưới chân núi của đền Katori, vốn thờ thần chiến tranh từ lâu đời, và sư tổ đã đào tạo được nhiều đệ tử mà về sau lập nên công trạng lẫy lừng, nên thường xuyên có võ sư đến đòi so kiếm. Để đối phó với những lời thách đấu không thể chối từ này, sư tổ Ienao đã truyền lại một lời giáo huấn được gọi là kumazasa no taiza. Chuyện kể rằng, khi có người của phái khác đến thách đấu, sư tổ Ienao sẽ ngồi lên một khóm cỏ tre mà không làm cho các nhánh cỏ rạp xuống và mời người đó đến ngồi cạnh mình.

kumazasa no taiza

Kumazasa no taiza

Người thách đấu, vì không thể làm được như vậy, sẽ phải nhụt chí mà rút lui. Vì thế mà có câu: “Làm đối phương nhụt chí thì hơn là hạ gục đối phương.” Qua ví dụ này, sư tổ Ienao dạy chúng ta rằng chiến thắng thật sự không phải là đánh thắng kẻ địch mà chính là đạt được mục tiêu bằng phương thức hòa bình. Xưa nay đã có không biết bao nhiêu ví dụ về những người chọn giải quyết xung đột bằng bạo lực để rồi không những bỏ mạng mà còn đẩy môn phái của họ đến chỗ suy tàn.

Trong suốt lịch sử hơn sáu thế kỷ của mình, thật đáng kinh ngạc là Katori Shinto ryu chưa bao giờ trở thành chủ đề của những truyện kể dân gian hay tiểu thuyết đại chúng. Có thể là do môn phái chúng tôi chưa từng vướng vào chuyện chém giết hay mưu đồ gì nên khó thành đề tài cho những chuyện phiêu lưu. Khi đối chiếu tư tưởng mà Katori Shinto ryu truyền bá với quá trình rèn luyện gian khổ của mỗi cá nhân thì có một lời giáo huấn nổi bật là: “Tự kiểm soát được bản thân là thành quả lớn hơn đánh bại một nghìn kẻ địch.”

Thể thao đơn giản là thi đấu theo các quy tắc sẵn có, những người tham gia đánh lẫn nhau giành điểm để phân định thắng thua. Vì Katori Shinto ryu không có hệ thống cấp bậc kyu/dan như trong các môn võ đạo hiện đại nên phái cũng không có thi đấu để giành phần thưởng hoặc để thăng cấp. Thay vào đó, thầy trò chỉ học hỏi lẫn nhau (gần giống như mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau trong thuyết âm dương) và luyện tập hết mình. Trong quá trình đó, họ sẽ được đánh giá về võ thuật và tinh thần. Khi đạt đến một trình độ nhất định, họ sẽ được trao Mokuroku, và tiếp đó là Menkyo sau nhiều năm tập luyện. Cuối cùng là Gokui Kaiden, cấp độ cao nhất trong môn phái. Tuy nhiên, có giới hạn về tuổi đối với cấp cuối cùng này – không một ai được trao khi chưa đủ 42 tuổi, dù có tiến bộ đến đâu.

Otake Risuke sensei stresses the importance of character building in kobudo

Chỉ dẫn cụ thể cho từng người là điều bất khả thi khi có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn, môn sinh. Vì vậy, các sư phụ sẽ không cố gắng tuyển mộ nhiều môn sinh. Đây là điểm khác biệt quan trọng giữa võ thuật cổ truyền Nhật Bản với thể thao hiện đại.

Trong suốt lịch sử của mình, Katori Shinto ryu chưa bao giờ giới hạn cho riêng tầng lớp võ sĩ. Môn phái cũng đón nhận cả nông dân và thương nhân. Trên thực tế, quan điểm của phái với môn sinh luôn luôn là: “Không đuổi ai đi, nhưng cũng không giữ ai lại.” Để gìn giữ bất kỳ võ phái nào ở dạng nguyên sơ nhất cho thế hệ tương lai, chúng ta chỉ cần một số ít môn sinh giỏi chứ không cần một đám đông kém cỏi.

Nếu loại bỏ nhân tố chủ chốt của Võ Sĩ Đạo – tức là tính khiêm nhường – thì võ thuật cổ truyền sẽ chỉ còn là bạo lực thuần túy. Chỉ các môn võ thấm nhuần đạo đức và lòng nhân ái mới là võ đạo chân chính.

Tôi xin nhắc lại rằng, trong Katori Shinto ryu, chúng tôi được dạy: “Thắng lợi bằng chiến trận không phải là thắng lợi đích thực. Thắng lợi đích thực là đạt được mục tiêu mà không dựa vào vũ khí, không dùng tới bạo lực. Đó là con đường dẫn tới hòa bình thật sự. Đúng hơn, con đường này là hiện thân của Bình Pháp.”

“Cũng như sự thù địch hạ sinh thêm thù địch,

Sự vắng mặt của nó mang lại hòa bình.

Đây là những sự thật vô tận.”

Trung Bộ Kinh (The Middle Length Discourses of The Buddha) – Majjhima Nikaya

(Nguồn: Warrior Tradition – Katori Shinto ryu – Risuke Otake sensei)