Thành Trì Gỗ Của Samurai

Thành Trì Gỗ Của Samurai

Thành Trì Và Pháo Đài Gỗ Của Samurai

Môn phái Tenshin Shoden Katori Shinto ryu giảng dạy các môn võ thuật như kenjutsu (kiếm thuật), iaijutsu (thuật rút kiếm), bojutsu (kĩ thuật dùng gậy) v.v… Ngoài ra, giáo trình của môn phái có nhiều kiến thức khoa học về chikujojutsu (củng cố pháo đài và trận địa) và nhiều môn học khác. Tuy vậy, chúng tôi không thể tiết lộ những kiến thức đó ở đây. Thay vào đó, bài viết này là sẽ giới thiệu một cách khái quát và ngắn gọn về chikujojutsu dựa trên các nguồn thông tin khác. Chúng tôi hi vọng nó sẽ tạo nguồn cảm hứng cho các môn sinh và giúp những người yêu thích lịch sử quân sự Nhật Bản có một cái nhìn thoáng qua về đề tài này. Những ai muốn tìm hiểu thêm xin vui lòng xem các quyển sách được đề cập ở phía dưới bài viết.

Các Thành Trì Trên Núi

Có một sự khác biệt đáng chú ý khi so sánh những thành trì của Nhật Bản với Trung Quốc hay Hàn Quốc là sự vắng mặt của những thành phố kín cổng cao tường. Địa điểm xây dựng các lâu đài được chia thành ba địa hình chính: trên núi (yamajiro), trên đồi (hirayamajiro) và dưới đồng bằng (hiraijiro).

Từ rất sớm vào khoảng những năm 950, những kiến thức địa lý về đồi núi và nguồn cung cấp gỗ phong phú từ các khu rừng đã dẫn đến một phong cách kiến trúc xây dựng thành lũy được gọi là thành trì trên núi. Một số ước tính cho thấy ngay từ khoảng đầu thế kỉ 16 đã có hơn 5000 pháo đài và thành trì thô sơ được hình thành dựa trên kỹ thuật này. Đó đều là những kiến trúc bằng gỗ. Việc sử dụng gỗ trong xây dựng thành trì ở những khu vực đồi núi vẫn được tiếp tục ngay cả sau khi các phương pháp thiết kế thành trì mới được giới thiệu, như là thành trì đá.

Một ngọn núi lý tưởng cho việc xây dựng thành trì phải cách xa những ngọn núi xung quanh, nhờ vậy mà giảm thiểu khả năng bị quân địch theo dõi. Những samurai xây dựng yamajiro (thành trì trên núi) lợi dụng địa hình để tạo ra lợi thế cho mình và sử dụng hợp lý nguồn vật liệu xây dựng có sẵn. Họ giữ lại hình dáng ban đầu của đỉnh núi hay đỉnh đồi. Họ sẽ chặt cây làm vật liệu xây dựng và để mở rộng diện tích xung quanh thành trì nhằm đảm bảo tầm nhìn bao quát xung quanh. Ngoài ra, những khoảng trống này cũng tạo ra tầm bắn tốt cho các vũ khí tầm xa của họ. Các samurai sẽ không cắt đi toàn bộ số cây ở phần sườn dốc phía dưới thành trì vì cây cối ở khu vực này sẽ là một lá chắn tự nhiên chống lại những kẻ có ý định xâm lược. Rễ cây cũng giúp giữ đá và đất, qua đó ngăn chặn tình trạng sụt lở hay đất bị rửa trôi do tác động của nước trên các địa hình nghiêng như vậy.

Thành trì sẽ bao gồm tường thành hay hàng rào bằng gỗ, tháp canh, cổng vào và các tòa nhà hay các khu vực cho quân đồn trú, nơi tiếp khách và các khu vực chỉ huy dành cho các tướng quân, chuồng cho ngựa và các động vật được nuôi làm thức ăn. Phần nhiều những tòa nhà trên có bao gồm nhà kho. Mặc dù việc tiếp cận rất khó khăn khiến các thành trì trên khó bị tấn công nhưng nó vẫn có thể bị vây hãm. Trong một cuộc bao vây, nguồn tiếp tế sẽ bị gián đoạn nên các nhu yếu phẩm phải được dự trữ để đề phòng trường hợp trên. Điểm yếu khác của yamajiro đó là chúng dễ bị ảnh hưởng và tàn phá bởi những cơn gió mạnh trong mùa bão.

Các thành trì có tường gỗ với những lỗ nhỏ chỉ đủ rộng để bắn tên qua. Bên cạnh đó, người ta cũng có thể dùng những tảng đá lớn được treo lên tường thành bằng dây thừng cho mục đích phòng ngự. Khi bị tấn công, binh lính thủ thành có thể cắt dây và những tảng đá này sẽ nghiền nát đợt tấn công của quân địch phía dưới.

Katori Vietnam Thành Trì Samurai Turnbull

Phòng thủ được dựng lên bởi Kunusoki Masashige chống lại quân đội của tướng quân. Lưu ý những tảng đá được giữ bằng dây thừng. Nguồn Turnbull S.

Các tháp canh bằng gỗ được xây trên các khu vực khác nhau của một dãy núi cũng có tường thành bao quanh hoặc các lá chắn di động. Các tòa tháp được liên kết bởi các đường dẫn được làm bằng đất khiến việc liên lạc giữa các địa điểm khác nhau trở nên khả thi. Từ những vị trí cao trên các chòi canh, cung thủ có thể sử dụng những cây cung dài hay thậm chí là các loại cự nỏ được đặt trên đế. Đây là những vũ khí đáng sợ được đánh giá rất cao bởi các chỉ huy quân sự. Những cây nỏ (oyumi) này thường được ghi nhận với những chiến công hủy diệt đội hình quân thù.

Katori VietnamThành Trì Samurai Turnbull 2

Mộ tháp canh với hai cự nỏ, oyumi

Tác dụng của các yamajiro là để kiểm soát một số khu vực nhất định và giới hạn sự xâm nhập của quân địch vào các khu vực trên. Binh lính của mỗi yamajiro có thể di chuyển từ một đầu của khu phức hợp hoặc một đỉnh núi sang một nơi khác bằng cách sử dụng địa đạo nối liền hai bên. Với những khu phức hợp yamajiro lớn hơn, chúng được thiết kế để khi khi một phần của thành trì bị chiếm đóng, binh lính thủ thành có thể dễ dàng cô lập khu vực đó hay tổ chức một cuộc phản công giành lại quyền kiểm soát khu vực đó.

Katori Vietnam Thành Trì Samurai Turnbull 1

Một chi tiết từ hình ảnh của cuộc chiến Gosannen, cho thấy tháp canh gỗ của một yamajiro bị tấn công bởi các mũi tên. Các tảng đá treo bằng dây thừng qua các lỗ trên tháp sẵn sàng để thả xuống. Nguồn Turnbull S.

Nền tảng tự nhiên của những thành trì này tuy đem lại lợi thế địa hình nhưng lại giới hạn kích thước cũng như thời gian tồn tại của thành trì được xây dựng theo kiến trúc yamajiro. Nếu quá nhiều cây cối bị chặt đi, đất đai sẽ bị xói mòn gây ảnh hưởng đến phần móng của thành trì. Người ta không xây cao quá ba tầng, điều này áp dụng cho cả các tháp canh có phòng bên trong. Những tháp cao hơn phải được xây nhẹ tới mức chúng thường không có tường bao. Nhằm giữ cho đất khỏi bị rửa trôi, người ta thường để cỏ mọc nơi cây cối đã bị loại bỏ.

Những cơn mưa lớn vẫn tác động lên khu vực xung quanh và thành trì. Nếu không có bão, động đất hay các cuộc vây hãm, các thành trì sẽ được tu sửa mỗi năm năm. Nhưng với tiếng tăm của Nhật Bản về động đất, rõ ràng những kiến trúc này sẽ cần phải được sửa chữa thường xuyên hơn. Biện pháp duy nhất để gia cố phần móng của các thành trì này là sử dụng đá. Điều này đã góp phần tạo ra vẻ ngoài đặc trưng mà chúng ta vẫn hay nhận thấy của các thành trì Nhật Bản tồn tại đến ngày hôm nay.

Clements J. (2010) A Brief History of the Samurai, Running Press

Mitchelhill J. (2003) Castles of the Samurai, Kodansha

Turnbull S. (2003) Japanese Castles 1540 – 1640, Osprey Publishing Oxford

Turnbull S. (2008) Japanese Castles AD 250 – 1540, Osprey Publishing Oxford

Đọc thêm:

http://www.jcastle.info/castle/

http://www.japanese-castle-explorer.com/

http://www.gojapango.com/travel/japanese_castles.html

http://matsumasa.com/maps/e_castle100/