Trong Koryu* không có khái niệm “đường tắt”
*Koryū là một thuật ngữ chung cho các trường phái võ thuật Nhật Bản trước thời kỳ Minh Trị Duy tân (1868).
“Không có bất kì con đường tắt nào được áp dụng trong truyền thống luyện tập của Koryu” người chịu trách nhiệm hướng dẫn trực tiếp các kỹ thuật của chúng tôi, thầy Otake Nobutoshi đã nói vui như vậy ngay khi bắt đầu buổi hội thảo kiếm thuật 2018. Vì thời gian diễn ra hội thảo kéo dài trong vòng một tuần và liên tục 9 tiếng mỗi ngày, nên thầy đánh giá trình độ của từng môn sinh vào ngày đầu tiên của buổi hội thảo. Thầy quan sát mức độ hiểu biết của chúng tôi thông qua các bài kata hoặc omote cơ bản.
Cũng giống như xây một ngôi nhà thì điều quan trọng nhất là nền móng phải vững chắc, các viên gạch phải được xếp vuông vức và thẳng hàng. Kiếm thuật cũng tương tự như vậy, trong các bài kata (đối luyện) thì kamae (thế thủ) được xem như những viên gạch để xây nên một “ngôi nhà” kata kiên cố.
Ngay cả những kỹ thuật cao đều bắt đầu từ những tư thế cơ bản. Nếu chúng ta không hoàn thiện phần cơ bản trước thì việc dạy các kỹ thuật cao hơn đều trở nên vô ích. Bởi vì chúng ta sẽ đem các lỗi cơ bản vào trong các bài kata mới nếu không chỉnh sửa kỹ thuật ngay từ lúc đầu.
Thầy Otake đã đề cập rất rõ trong quyển sách thầy viết, rằng: “Do đặc thù của việc tấn công/bị tấn công ở khoảng cách gần trong gogyo-no-tachi (bài luyện tập cấp cao), cho nên việc luyện tập bài kata cơ bản trong vòng 3 đến 4 năm là thực sự cần thiết. Mặc dù tôi đôi lúc cũng chấp nhận việc truyền dạy các kỹ thuật cấp cao sớm hơn dự tính vì bản chất bất định của con người ngày nay, nhưng bản thân tôi đã phải mất 6 năm luyện tập thuần thục các bài đối luyện cơ bản trước khi có thể học gogyo-no-tachi.”
Một trích đoạn trong sách “Strategy and the Art of Peace” do thầy Otake Risuke viết: “Khi mới bắt đầu theo học thầy Hayashi, có một vài môn sinh mong muốn học ngay bài đối luyện kế tiếp khi mà họ chỉ vừa thuộc các tư thế của bài cũ. Vào lúc đó, thầy chỉ đơn giản khuyên nhủ những môn sinh thiếu kiên nhẫn này và nói với họ rằng vẫn còn quá sớm.” (trang 111-112)
Cũng giống như cha mình, thầy Otake Nobutoshi rất nghiêm túc trong việc đảm bảo các kỹ thuật cơ bản mà chúng tôi tập luyện phải thật chuẩn xác. Suốt buổi hội thảo, thầy kiểm tra các thế thủ, kỹ thuật chém kiếm và đặc biệt là tư thế trong các bài đối luyện của chúng tôi. Thầy tách riêng từng phần cụ thể trong bài đối luyện và để chúng tôi tập đi tập lại những động tác đó cho đến khi chúng thật hoàn hảo.
Kế tiếp đến phần Bojutsu (kỹ thuật sử dụng gậy). Chúng tôi được truyền dạy phương pháp tập luyện suburi như cái cách thầy cũng đã từng làm như thời còn trẻ. Thầy tâm sự với chúng tôi rằng thầy đã luyện tập cùng thầy Dreager bằng cách vừa đi vừa đánh gậy lên xuống liên tục hàng cây số suốt cả con phố.
Thầy lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong phần Iaijujutsu và Battojutsu (kỹ thuật rút kiếm). Thầy cho chúng tôi thấy sự cần thiết của việc học qua cách cảm nhận, không đơn giản chỉ nhìn bằng con mắt bình thường. Chúng tôi thì lúc nào cũng nghĩ: “Đúng rồi đúng rồi, cái này mình biết, mình từng thấy cái này rồi.” Nhưng rồi chúng tôi lại bỏ qua lỗi sai và lặp lại các động tác cũ quen thuộc, một cách không chính xác.
Cuối cùng, thầy kết thúc buổi hội thảo bằng lời chia sẻ rất tâm huyết, rằng: “Thầy biết là thầy hay nhắc nhở mọi người việc luyện tập phải theo trình tự, không có bất kì phương pháp nào rút ngắn thời gian học đối với Koryu, nhưng có thể có trường hợp ngoại lệ. Bằng cách quan sát bạn tập khi họ nhận sự hướng dẫn về một kỹ thuật nào đó, mọi người đều có thể “đánh cắp” kỹ thuật đó. Cố gắng tận dụng cơ hội học hỏi từ mọi người xung quanh. Điều đó không có nghĩa là chúng ta được phép luyện tập các kỹ thuật mà thầy chưa dạy, đơn giản chỉ là quan sát kỹ thuật từ mọi người xung quanh và hãy suy ngẫm một chút về nó.”